Thoái hóa khớp gối là căn bệnh nguy hiểm có khả năng biến chứng gây tàn phế cho người cao tuổi. Vấn đề điều trị bệnh càng được quan tâm khi bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thoái hóa khớp gối là bệnh mạn tính, thường tiến triển chậm. Nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa khớp có thể thúc đẩy sự hình thành của gai xương trên khớp gối dẫn đến bệnh gai khớp gối, đồng thời gây ra các biến chứng nguy hiểm như teo cơ, bại liệt, tàn phế…
1. Nguyên nhân:
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp được chia thành 2 loại: thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát.
🏵 Thoái hoá khớp nguyên phát là nguyên nhân chính, xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi, có thể ở một hoặc nhiều khớp, tiến triển chậm. Ngoài ra, có thể có yếu tố di truyền, yếu tố nội tiết và chuyển hóa (mãn kinh, đái tháo đường…) có thể gia tăng tình trạng thoái hóa.
🏵 Thoái hóa khớp thứ phát là bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân có thể do sau các chấn thương khiến trục khớp thay đổi (gãy xương khớp, can lệch…); Các bất thường trục khớp gối bẩm sinh: khớp gối quay ra ngoài; khớp gối quay vào trong; khớp gối quá duỗi hoặc sau các tổn thương viêm khác tại khớp gối (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, viêm mủ, bệnh gút, chảy máu trong khớp – bệnh Hemophilie…).
2. Triệu chứng chính của bệnh:
Người bệnh thường có cảm giác đau nhức ở vùng khớp gối và cơn đau tăng dần lên mỗi khi hoạt động hoặc di chuyển khiến bệnh nhân phải tìm đủ mọi cách để giảm đau. Đặc biệt, cứng khớp buổi sáng là tình trạng khi ngủ dậy, bệnh nhân thấy các khớp của mình cứng, vận động khó, phải tập luyện gấp duỗi một lúc khớp mới vận động dễ dàng hơn. Thời gian cứng khớp thường dưới 30 phút.
Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân có thể thấy lạo xạo khớp khi cử động, giai đoạn nặng có thể có biến dạng khớp, hạn chế vận động hoặc mất vận động khớp. Khi đến thăm khám, bác sĩ thường cho chụp Xquang xương khớp để phát hiện các tổn thương thoái hóa khớp như hẹp khe khớp, gai xương ở rìa, đặc xương dưới sụn… Ngoài ra, các bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm máu (huyết học, sinh hóa, miễn dịch) hoặc xét nghiệm dịch khớp, chụp cộng hưởng từ khớp, siêu âm khớp để giúp khẳng định chẩn đoán hoặc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác của khớp. Ở giai đoạn nhẹ, thoái hóa khớp gối có thể điều trị nội khoa. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 3-4 sẽ buộc phải thay khớp gối do không thể đi lại hoặc đi lại rất đau đớn.
3. Biến chứng nguy hiểm của thoái hóa khớp gối:
+ Đau nhức dai dẳng:
Đau là triệu chứng đầu tiên và cũng là triệu chứng kéo dài xuyên suốt quá trình bị bệnh. Càng ngày, các cơn đau càng nhiều hơn, nhức nhối hơn, dai dẳng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, vận động và tâm lý của người bệnh…
+ Gối bị biến dạng: Thoái hóa khớp gối kéo dài làm cho khớp và sụn bị xơ vữa, gối thường có hiện tượng sưng to, biến dạng, đau nhức.
+ Không thể đi lại bình thường: Người bị thoái hóa khớp gối không thể đứng thẳng như bình thường, thậm chí đi có thể tập tễnh.
+ Teo cơ, liệt: Các cơ từ gối trở xuống sẽ dần có cảm giác yếu hơn, người bệnh khi đi lại có cảm giác run chân, dần dần chân đứng không vững; cơ có hiện tượng bị teo, người bệnh rơi vào tình trạng liệt…
4. Đối tượng dễ bị thoái hóa khớp gối:
Ở người trẻ cũng có thể bị thoái hóa do chấn thương không hồi phục gây ra (chạy nhảy, chơi thể thao, lao động chân tay, mang vác nặng kéo dài…), tuy vậy, đại đa số THKG thường xảy ra ở người lớn tuổi, đặc biệt là người cao tuổi. Nguyên nhân gây THKG rất đa dạng, thường hay gặp nhất là lão hóa, nhất là ở những người có tiền sử lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều (công nhân bốc vác…), đứng lâu do nghề nghiệp (người nội trợ, công nhân đứng máy…) hoặc béo phì càng ngày càng tăng cân, đặc biệt là những người bị béo phì từ lúc còn trẻ.
Nhiều trường hợp THKG do bị chấn thương khớp gối (đứt dây chằng khớp gối, vỡ, nứt lồi cầu dưới xương đùi hoặc xương chày hoặc nứt, vỡ xương bánh chè… bởi các nghề nghiệp khác nhau). Ngoài ra, THKG có thể bởi chấn thương xương đùi, xương chậu (vỡ, rạn, nứt, gãy…).
5. Phòng bệnh “thoái hóa khớp gối”:
Mặc dù thoái hóa khớp là một quá trình bệnh khó tránh khỏi ở người lớn tuổi, là một tất yếu của sự phát triển nhưng việc dự phòng vẫn rất quan trọng. Bởi dự phòng có thể ngăn ngừa và hạn chế các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa, làm quá trình này xảy ra chậm hơn, muộn hơn và nhẹ hơn.
Để phòng bệnh thoái hóa khớp gối, cần chú ý những điều sau:
– Chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động hằng ngày, bảo đảm vệ sinh và an toàn lao động để giảm các lực tì đè bất hợp lý lên sụn khớp.
– Tập thể dục hàng ngày và giữa các giờ lao động. Khi có tuổi, cần duy trì chế độ tập thể dục đều đặn, vừa sức (tốt nhất là đi xe đạp, đi bộ, tập dưỡng sinh…).
– Tránh các tác động quá mạnh, đột ngột, tránh sai tư thế khi mang vác nặng.
– Phát hiện và điều trị sớm các dị tật, các di chứng của chấn thương, các bệnh lý tại khớp và cột sống.
– Bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, tránh dư cân. Đặc biệt bổ sung Calci, Phospho, Vitamin D, C, nhóm B…vào khẩu phần ăn hàng ngày đối với người cao tuổi.
👉👉 Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ hotline 714 855 5456 hoặc website www.fuzichair.com của FUZI MASSAGE để được tư vấn nhanh chóng và miễn phí nhé!